Năm 2022, khi nào được điều chỉnh giấy phép xây dựng?

Điều chỉnh giấy phép xây dựng có ý nghĩa rất quan trọng, là phương án hợp thức hóa hành vi xây dựng trái phép (xây dựng không đúng nội dung giấy phép được cấp).


3 trường hợp điều chỉnh giấy phép xây dựng

Căn cứ khoản 1 Điều 98 Luật Xây dựng 2014 và Điều 51 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, trong quá trình xây dựng, trường hợp có điều chỉnh thiết kế làm thay đổi một trong các nội dung dưới đây thì chủ đầu tư phải đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng:

– Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc.

– Thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính.

– Khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.

Lưu ý: Chủ đầu tư không phải thực hiện điều chỉnh giấy phép xây dựng trong trường hợp điều chỉnh thiết kế xây dựng nhưng không làm thay đổi các nội dung chính được ghi trong giấy phép xây dựng và bản vẽ thiết kế xây dựng kèm theo giấy phép xây dựng đã được cấp.

Hồ sơ, thủ tục điều chỉnh giấy phép

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

– Số lượng hồ sơ: 02 bộ.

– Thành phần hồ sơ:

Hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng được quy định rõ tại khoản 2 Điều 51 Nghị định 15/2021/NĐ-CP như sau:

1. Đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng theo Mẫu số 02.

2. Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp.

3. Báo cáo kết quả thẩm định và văn bản phê duyệt thiết kế xây dựng điều chỉnh (trừ nhà ở riêng lẻ) của chủ đầu tư, trong đó phải có nội dung về bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.

4. 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng trong hồ sơ thiết kế xây dựng điều chỉnh triển khai sau thiết kế cơ sở được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng tương ứng theo quy định tại Điều 43, Điều 44, Điều 45, Điều 46 hoặc Điều 47 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, cụ thể

Bước 2: Nộp hồ sơ

Nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, cụ thể:

– Bộ phận một cửa cấp huyện đối với công trình, nhà ở riêng lẻ mà giấy phép xây dựng UBND cấp huyện cấp.

– Bộ phận một cửa cấp tỉnh (trung tâm hành chính công) đối với công trình mà giấy phép xây dựng do UBND cấp tỉnh cấp.

Lưu ý: Nếu địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa để tiếp nhận hồ sơ thì nộp trực tiếp tại cơ quan trước đây đã cấp giấy phép xây dựng.

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ

– Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng; kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định hoặc hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định.

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa. Khi thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ.

Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo. Trường hợp việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép.

Thời gian giải quyết: Trong thời gian 20 ngày đối với công trình, trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bước 4: Trả kết quả

3 trường hợp được điều chỉnh giấy phép xây dựng (Ảnh minh họa)
 

Điều chỉnh giấy phép để hợp thức hóa xây dựng trái phép

Khoản 12 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định:

“12. Đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều này mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:

a) Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình;

b) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;

c) Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.”

Như vậy, đối với hành vi xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng (sai phép, trái phép) và hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép mà đang thi công thì tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải đề nghị điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng, cụ thể:

– Trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng và xuất trình người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.

– Hết thời hạn theo quy định trên mà cá nhân, tổ chức vi phạm không xuất trình giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh thì người có thẩm quyền xử phạt ra thông báo thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm.

Thông báo được gửi cá nhân, tổ chức vi phạm, UBND cấp xã nơi có công trình vi phạm bằng hình thức gửi bảo đảm và niêm yết công khai tại công trình vi phạm. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không nhận thông báo hoặc gỡ bỏ thông báo được niêm yết tại công trình vi phạm thì UBND cấp xã nơi có công trình vi phạm có trách nhiệm niêm yết công khai thông báo tại trụ sở UBND cấp xã.

Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo (tính theo dấu bưu điện), cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

– Trong thời hạn tối đa 05 ngày kể từ ngày cá nhân, tổ chức vi phạm xuất trình giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình xây dựng, lập biên bản ghi nhận sự phù hợp của hiện trạng công trình với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.

– Cá nhân, tổ chức vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng nếu biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.

Trường hợp biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh thì trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày lập biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình, cá nhân, tổ chức vi phạm phải buộc tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép được cấp hoặc được điều chỉnh.

Lưu ý: Căn cứ điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, hành vi tổ chức thi công xây dựng sai phép, không phép thuộc một trong những trường hợp dưới đây sẽ không được điều chỉnh hoặc cấp giấy phép nhằm hợp thức hóa công trình, phần công trình vi phạm:

– Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.

– Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng.

– Xây dựng công trình sai cốt xây dựng.

– Hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng không đúng giấy phép mà hành vi vi phạm đã kết thúc.

Kết luận: Nếu chủ đầu tư nắm rõ các trường hợp và cách điều chỉnh giấy phép xây dựng trong nhiều trường hợp sẽ giúp chủ đầu tư tránh khỏi tình trạng bị tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ công trình.

Nguồn sưu tầm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *