DIỆN TÍCH XÂY DỰNG VÀ CÁCH TÍNH DIỆN TÍCH KHI XÂY NHÀ
Diện tích xây dựng được tính trước khi thi công nhằm giúp Chủ đầu tư dự toán chi phí và hoàn tất hồ sơ xin cấp phép thi công công trình.
Trong bài viết này, VieHome sẽ giúp Quý khách hàng tìm hiểu xem định nghĩa và công thức tính diện tích xây dựng là gì, các lưu ý khi tính diện tích mặt sàn cũng như một số diện tích liên quan khác trong xây dựng để Quý khách hàng tiện theo dõi.
1. Định nghĩa
1.1. Diện tích sàn là gì?
Diện tích sàn hay còn gọi là diện tích mặt sàn xây dựng là một trong những thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực thiết kế và thi công công trình. Có thể nói đây là một thông số được thể hiện trong hầu hết các bản vẽ cũng như giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu. Thuật ngữ quốc tế của diện tích mặt sàn xây dựng là “Gross Floor Area” hay thường được viết tắt là GFA trên các bản thiết kế.
Diện tích mặt sàn sẽ được sử dụng để định giá thi công, dự toán công trình (bao gồm cả tiền vật liệu xây dựng cũng như tiền nhân công). Ngoài ra, diện tích này cũng được dùng trong trường hợp thiết kế nhà, thiết kế nội thất hoặc bàn giao công trình,…
1.2. Diện tích sàn xây dựng là gì?
Người ta định nghĩa diện tích sàn xây dựng của một tầng là tổng diện tích sàn được xây dựng trên thực tế của sàn đó. Trong đó, phần diện tích này sẽ bao gồm cả tường bao, một số phần khác thuộc về mặt sàn đang tính như lô gia, ban công, hành lang, cầu thang, giếng trời, các hộp kỹ thuật,,…
1.3. Diện tích xây dựng là gì?
Diện tích xây dựng sẽ được xác định bằng cách cộng tất cả diện tích sàn xây dựng các tầng trong phạm vi ngôi nhà, bao gồm các tầng trên mặt đất và dưới lòng đất. Các hạng mục đặc biệt như móng, sân, mái đều được tính vào diện tích này.
2. Công thức tính diện tích sàn xây dựng
Diện tích sàn xây dựng = Diện tích sàn sử dụng + Các loại diện tích khác đi kèm (phần móng, mái, sân, tầng hầm,…)
Như vậy, căn nhà được chia ra thành bao nhiêu loại không gian sử dụng thì chỉ cần cộng tổng bấy nhiêu diện tích là ra được tổng diện tích xây dựng.
2.1. Hệ số tính diện tích sàn sử dụng
Diện tích sàn sử dụng là phần diện tích thực dùng trong nhà, có mái che hoặc nằm bên trong phạm vi tường bao bên ngoài. Cầu thang, giếng trời… đều tính trong diện tích mặt sàn sử dụng.
Phần diện tích này được tính là 100%
2.2. Hệ số tính diện tích móng
Để có thể xác định được con số thể hiện diện tích móng căn nhà chuẩn nhất thì Chủ đầu tư cần xem nhà mình đang thiết kế móng theo dạng nào.
– Móng cọc (không bao gồm cọc) được tính bằng 40% diện tích tầng trệt
– Móng đơn được tính bằng 30% diện tích tầng trệt
– Móng băng 1 phương được tính bằng 50% diện tích tầng trệt
– Móng băng 2 phương được tính bằng 60% diện tích tầng trệt
– Móng bè được tính bằng 65% diện tích tầng trệt
2.3. Hệ số tính diện tích hầm
Diện tích hầm ngầm được quy đổi diện tích tùy theo độ sâu của căn hầm trong thiết kế. Mốc chuẩn để bắt đầu tính độ sâu của căn hầm là code vỉa hè chính thức trên con đường (hoặc khu vực) mà nhà đó đang được xây dựng theo giấy phép.
– Độ sâu nhỏ hơn 1.3m, hầm sẽ được tính bằng 150% diện tích.
– Độ sâu từ 1,3m – 1,7m, hầm sẽ được tính bằng 170% diện tích.
– Độ sâu từ 1,7m – 2,5m, hầm sẽ được tính bằng 220% diện tích.
– Độ sâu từ 2,5m – 3m, hầm sẽ được tính bằng 250% diện tích.
Đối với tầng hầm có diện tích nhỏ hơn 60m2 thì sẽ tăng thêm 20%
2.4. Hệ số tính diện tích mái và sân thượng
Đối với phần mái ngôi nhà, tuỳ theo thiết kế mái dạng nào sẽ có cách quy đổi diện tích tương ứng.
– Mái bê tông cốt thép tính bằng 50% diện tích mái.
– Mái tôn tính bằng 30% diện tích mái nghiên.
– Mái ngói kèo sắt tính bằng 70% diện tích mái nghiên.
– Mái ngói bê tông cốt thép tính bằng 100% diện tích mái nghiên.
Đối với sân thượng, phần diện tích có mái che tính 100% diện tích, phần không có mái che tính 60%
Trên đây là một số phần diện tích quan trọng và phổ biến khi cần tính toán diện tích xây dựng nói chung. Hy vọng những thông tin được chia sẻ sẽ hữu ích, đặc biệt với các Chủ đầu tư.
Theo VieHome